Văn hoá Cambodia và những trải nghiệm thú vị.

Ngày đăng: 20 - 04 - 2020 Lượt xem: 24 lượt

Văn hoá hay cuộc sống của người bản địa có sức hút kỳ lạ với mình. Mình thích chụp hình, yêu cái đẹp và cũng càng thích quan sát cuộc sống mọi người ở một vùng đất mới. Và văn hoá Cambodia cũng thế, cũng có nhiều những điều thú vị khiến mình nhớ mãi trong chuyến đi đó.

Angkor Wat

Thủ đô Phnôm Pênh và đoạn đường đến thủ đô.

Mình khá là thích bon chen vào giữa cuộc sống người bản địa để xem người ta ra sao, có gì khác với cuộc sống của quê hương mình. Có khi phát hiện hay ho nhưng cũng có khi há hốc vì ngạc nhiên.

Xe bus ngồi đi Cambodia từ Sài Gòn

Ngay từ lúc bước lên chiếc xe bus từ Sài Gòn đến Phnom Penh là mình đã thấy khác rồi. Cái xe bus hơi cũ, nhưng nhìn cấu trúc chung thì bus có tí khác biệt với bus của hãng xe Việt Nam. Số lượng ghế chắc tầm 20 nhưng con thân xe là tương đương chiếc xe 35 chỗ của Việt Nam. Thiết kế gầm xe khá cao và bự tạo cảm giác như là mình ngồi ở tầng 1,5 :). Chắc có lẽ vì mục đích chuyên chở hàng hoá lẫn người nên thiết kế có chút khác. Ban đầu mình tưởng là chắc chỉ có chiếc này dạng thiết kế cũ của hãng xe thôi nhưng khi qua Cambodia di chuyển bằng bus giường nằm thì mình vẫn thấy có tí tương đồng.

Sản phẩm quà lưu niệm có thể làm bạn “ngượng chín mặt”

Chiếc bus mình đi có dừng tại một trạm nghỉ từ cửa khẩu Tây Ninh đến thủ đô Phnom Penh. Cũng giống như nhiều trạm dừng chân tại Việt Nam; ở đây có bán đồ ăn, nước giải khát và hàng hoá lưu niệm. Sau một vòng lượn lờ thì mình phát hiện một món đồ nhìn ban đầu thì khó hiểu nhưng nhìn lâu thì “tá hoả”. Đó là một “ná bắn chim” mà bọn trẻ con hay chơi; nhưng thay vì ở Việt Nam là một nhành cây có góc xếp hoàn hảo thì ở đây hẳn là “một cái ná hình “gym” đại diện cho giới tính cũng như đậm chất văn hoá Khmer. Mình cầm lên thả xuống trăm lần mới có thể nhìn ra được; hú ngay nhỏ bạn vào 2 đứa nhìn nhau và đi ra không nói nên lời.

Văn hóa Cambodia Yoni Linga

Mặc dù chưa đủ mạnh dạn để mua về lưu niệm nhưng mình càng thấm hơn về sức ảnh hưởng của văn hoá Khmer lên cuộc sống người dân. Không chỉ có ở 1 nơi mà nhiều điểm tham quan khác tại Cambodia cũng có những món đồ lưu niệm tương tự như này. Dù có hơi hoang man và biết về thần thoại các vị thần Champa nhưng vẫn không nghỉ lại được đại trà trong đồ đạt lưu niệm như vậy. 😀 Thế nên người ta mới nói văn hoá luôn thú vị cũng có lý do.

Giao thông ở Cambodia cũng khá giống “trò chơi mạo hiểm” như ở Việt Nam.

Người dân Cambodia cũng xài nhiều xe máy như ở Việt Nam; tuy nhiên có một điểm mà cả mình và người bạn đi cùng đều công nhận đó là mẫu mã xe máy ở Cambodia không đa dạng và xịn đẹp như ở Việt Nam. Giao thông trên đường tụi mình nhìn thấy thì có vẻ như là sự đa dạng chưa cao.

Xe tuk tuk là loại xe khá được ưa chuộng ở Cambodia. Bạn sẽ ít thấy xe bus hơn so với loại xe công cộng tuk tuk này trong giao thông Cambodia. Không những là phương tiện đi lại mà Tuk Tuk giời đây đã trở thành một nét trong văn hoá Cambodia trong mắt du khách. Hệ thống giao thông vẫn còn hạn chế và chưa phát triển. Người dân tham gia giao thông xe máy buộc phải mang nón bảo hiển như tại Việt Nam.

xe tuk tuk văn hóa Cambodia

Điều đáng nói hơn nữa là chính sách không cho phép người nước ngoài điều khiển xe máy tại Cambodia. Hầu hết các nơi mình hỏi thuê xe máy đều nói không được hoặc không nên vì sẽ bị phạt.

Ẩm thực Cambodia

Khi vào miền Tây và sau đó được sang Cambodia,  mình đã thấy có sự tương đồng nhất định. Vì có nhiều vùng đất của Việt Nam là nơi người Khmer sinh sống nên mình cũng không có gì ngạc nhiên.

Phải kể đến đầu tiên chính là lạp xưởng hoặc thịt động vật được bán ngoài đường bằng hình thức treo khô trên cao.

Ẩm thực “côn trùng” hoặc các con vật nhỏ như dế, cua, kiến, bò cạp…

Với mình thì gia vị khá quen thuộc, dễ ăn nhưng vẫn có những món chế biến dạng sệt sệt tạo cảm giác hơi ngợ để thử.

Các món nướng cũng là một trong những ưa chuộng tại các khu chợ và khu có khách du lịch.

Ẩm thực văn hóa Cambodia Ẩm thực văn hóa Cambodia

Vốn trước khi đi mình đã có đọc nhiều review về đồ ăn cũng như văn hoá Cambodia nên mọi thứ vẫn đỡ bị ngợp; hơn nữa thì một đất nước ngay cạnh Việt Nam nên việc đã từng nhìn thấy điều tương tự cũng giúp tự tin hơn khi đi chill. :v

Mặc cả khi mua hàng hoá hoặc đi xe.

Có tí tương đồng với Việt Nam khi mua hàng hoá rằng các mặc hàng thường ít có giá niêm yết và người mua được phép mặc cả. Mình có mua một đôi bông tai nhỏ nhắn xinh xắn bằng Bạc mặc cả từ $7 xuống còn $3 tại chợ Trung Tâm thử đô Phnôm Pênh.

Chợ trung tâm Cambodia

Mình và nhỏ bạn dính ngay một phi vụ “mắc cạn” khi đi xe ôm tại đây. Mặc dù đã mặc cả và chốt giá nhưng vì vài lý do về rào cản ngôn ngữ đã khiến tụi mình bị dẫn dắt và trả giá “đắt hơn”. Mặc dù khá buồn nhưng không sao vì chuyến đi cũng không tệ.

Siem Reap, thủ phủ du lịch và văn hoá Cambodia

Đề chế Khmer hùng hậu và những công trình vĩ đại

Quả thật mình cứ muốn nhắc đi nhắn lại về sự kỳ vĩ về những công trình đền điện dưới đế chế Khmer tại Siem Reap. Sự tính toán và xây dựng chuẩn xác kỳ lại mà khoa học hiện nay vẫn chưa tìm ra được vật liệu kết dính là gì. Yếu tố tâm linh và liên hệ với vũ trụ trong các chọn vị trí và hướng, bố trí của các đền điện quả thật vẫn còn nhiều bí ẩn. Các tảng đá to và nặng được điêu khác một cách tinh tế tài tình được sắp xếp một cách hoàn hảo. Câu hỏi về kỹ thuật của người xưa cao siêu đến nhường nào vẫn luôn là điều khiến người ta tò mò.

Bayon Temple Siem Reap

Nói về những tảng đá lớn và trường tồn với thời gian dùng để xây dựng các ngôi đền; nhờ book tour khám phá vùng đất Kulen mà cả 2 đứa mình mới nghe được nhiều câu chuyện về quá trình hình thành các ngôi đền. Theo nhiều tư liệu thì đá tại cá ngôi đền trong quần thể Angkor được lấy từ vùng đất Kulen này. Vậy làm sao người ta có thể vận chuyển những tảng đá to hàng tấn như vậy với khoảng cách vài chục km? Câu trả lời được cho là con người đã tận dụng dòng chảy của suối để đưa đá về đền. Đó cũng là một trong những lý do có nhiều kênh mương xung quanh khu vực các ngôi đền bên cạnh nguyên nhân trị thuỷ.

Angkor Wat

Mặc dù đã trải qua ngàn năm lịch sử; khi thành phố từng được cho là phát triển hưng thịnh tại đây đã bị tàn phá nhưng các đền điện thì vẫn cứ trường tồn với thời gian. Mặc dù chiến tranh và sự sinh sôi của những cây đại thụ đã phá huỷ đi nhiều di tích nhưng không thể phủ nhận sự trường tồn của những công trình này. Nó đã trở thành biểu tượng tâm linh, du lịch và văn hoá Cambodia.

Mua vé tham quan tại Siem Reap được chụp hình thẻ thật xịn.

Có 3 loại vé tham quan Angkor: vé tham quan 1 ngày 3 ngày và 1 tuần. Sự phân chia này cũng đủ cho mọi người thấy quy mô và giá trị của quần thể di tích Angkor.

Điều làm mình thích thú đó chính là vé tham quan ở Siem Reap có chụp hẳn hình ảnh của người tham quan lên trên vé. Mình chưa hiểu nguyên nhân lắm; có thể để người kiểm vé dễ dàng nhận diện đúng khách tham quan chăng; hoặc cũng có thể trường hợp khách bị lạc thì cũng dễ dàng tìm kiếm 🙂

Angkor Wat ticket vé tham quan Angkor Wat

Ở Kulen, người ngồi trước cổng chùa không được gọi là “ăn xin” mà được coi như là nhận “bố thí”, một nét văn hóa Cambodia đã khai sáng mình.

Tour đến vùng đất thiêng Kulen vào ngày đầu đến thành phố Siem Reap của tụi mình. Một trong những địa điểm tham quan chính thức là ngôi chùa cổ mang tên Paang Thom hay còn gọi là chùa Phật lớn vì ở đây có một tượng Phật nằm khá lớn được tạt thẳng vào vách đá. Có nhiều yếu tố tâm linh và văn hoá Phật Giáo pha trộn Champa được tái hiện rõ nét trên công trình và kiến trúc.

Kulen

Điều làm mình nhớ nhất chính là hàng người ngồi ha bên bờ cầu thang đường lên cổng chùa. Hết thẩy mọi lứa tuổi từ em bé đến cụ già, thật đông đúc nhưng không ồn ào chen lấn. Lúc đầu mình tưởng là “sao ăn xin ở đây lại nhiều đến vậy?” nhưng sau đó được anh Hướng Dẫn Viên giải thích thì mới hiểu ra rằng họ không đến để ăn xin.

Họ xuất hiện ở đây cũng như một “ân điểm bố thí” của những người có tài sản dành cho những người vô sản như họ. Theo văn hoá hàng năm thì ngôi chùa này là nơ nguời ta đến hành hương và cúng lễ rất nhiều. Người dâng lễ cúng bái thường đổi ra rất nhiều nhiền nhỏ, càng nhỏ càng tốt vì số tiền sẽ được phát ra càng nhiều người. Sau khi làm lễ xong, người dâng cúng sẽ đem số tiền kia phát cho những người nghèo khó khăn đang ngồi ngoài cổng. Hết thấy đều trật tự và nhận với lòng cảm ơn sâu độ. Người ta cũng quan niệm rằng, càng phát được cho nhiều người khó khăn thì bạn đã ban được nhiều phước lộc và nhận được nhiều may mắn.

Văn hóa Cambodia tại Kulen

Xe bus giường nằm ở Cambodia bao xịn

Mình thú thật mình thích bus giường nằm ở Cambodia hơn bus giường nằm của Việt Nam. Số lượng giường không nhiều như ở Việt Nam và chỉ có 1 lối đi. Giường phẳng và diện tích rộng hơn. Có cả giường cho 2 người nằm và rèm che giường hẳn hoi. Tạo cho du khách cảm giác như ở trong căn phòng riêng của nhà mình vậy đó.

Một điều tuyệt vời hơn nữa đó chính là mỗi vị trí giường đều có ổ cắm điện để sạc các thiết bị điện tử. Mình lên xe và vỡ oà trong sung sướng vì không phải lo xài điện thoại mà hết pin hoặc sạc dự phòng.

Như mình có nói ở trên về nét tương đồng của các bus đó chính là gầm xe của các bus ở Cambodia khá cao do thùng xe chở hàng bên dưới khá bự. 2 hãng xe mình đi đều như vậy.

Sihanouk – Miền đất hứa.

Không biết thành phố này rốt cuộc là dân nào đông hơn.

Mình ngỡ ngàng thật sự khi đến Shihanouk. Một thành phố ngổn ngang công trình và bụi bặm những ngày tháng 5/2019. Có vẻ như thành phố đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nên mọi thức vẫn còn chưa vào nếp. Điều lạ thường là, ở đây khách du lịch, nhân công ngoại quốc còn nhiều hơn cả người bản địa, chủ yếu là khách Trung Quốc.

Cambodia people

Còn đây là một người chú mưu sinh trên chiếc xe bán dạo ngay cảng biển.

Vùng đất casino mới nổi.

Ở đây các công trình xây chủ yếu là Casino và khách sạn. Nếu như nhắm mắt rơi xuống từ máy bay thì mình cứ tưởng Sihanouk là Trung Quốc. Hết thẩy mọi hàng quán, khách sạn, casino đều mang tiếng Trung, thậm chí có biển hiệu mình còn không thấy tiếng Anh. Quả thật khiến người ta bối rối.

Về sau khi đọc báo thì mình mới biết rằng 90% công trình xây dựng ở Sihanouk là nhà đầu tư Trung Quốc nên mới ngộ vấn đề. Điều khiến mình buồn đó chính là sự phát triển nhanh chóng dẫn đến những nét văn hoá Cambodia bị “lu mờ”; người dân không có nhiều sự tự chủ trong các cơ sở kinh doanh trên chính mảnh đất của mình.

Mình cũng được biết đây là đặc khu kinh tế duy nhất tại Cambodia nên mọi thứ tương đối phức tạp quanh khu vực này.

Lần đầu tiên trong đời mình thấy xe trung chuyển 16 chỗ chở cả xe máy.

Thật sự mà đã há hốc mồm ngạc nhiên cho lần đầu thấy một chiếc xe trung chuyển 16 chỗ chở cả xe lẫn người. (lol). Từ Sihanouk mình bắt xe về Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang Việt Nam. Vì đi từ Cảng Sihanouk (khu vực này đông đúc vô cùng) nên xe trung chuyển vào đón ra xe 35 chỗ để về Hà Tiên.

Sihanouk Cambodia

Lúc đầu chỉ có vài người; rồi lại tăng thêm vài người nữa. Cú chốt hạ cuối cùng khiến mình ngỡ ngàng nhất chính là khi anh tài xế xoay hàng ghế ngồi ngang thành dọc để có khoảng trống; và thế  rồi một chị gái phụ anh tài đưa chiếc xe máy lên hẳn lên xe; mọi thứ cứ như sinh ra là để cho nhau; trông vừa vặn lạ kỳ :). Mình tưởng tượng cái cảnh nhìn từ ngoài vào trông chắc thú vị lắm; như kiểu chạy trốn “xã hội” *cười trừ*.

Món snack ốc trộn muối phiên bản xe chở “trái cây dạo” như ở Việt Nam.

Mình không biết diễn tả như nào, chỉ thấy thú vị. Là một loại “chíp chíp” bé tí tẹo; hoặc là con hến được luộc rồi trộn với muối sau đó được bày trên một mâm to và đặt ngay sau xe máy; mọi thứ được trưng bày khá “mát mẻ” không che đậy.

Mình cứ liên tưởng đến “ốc gạo” hay còn gọi là  “ốc lể” mà người miền Trung hay ăn; cũng bé tí tẹo và thường trộn với mắm hoặc muối. Còn ở đây là “ốc hến” :v

Ốc hến Cambodia

Miền Nam của Cambodia có nhiều thứ giống với miền Tây Việt Nam.

Thực sự mình cảm nhận một sự thân thuộc kỳ lạ khi ở đây.

Ở Cambodia, đặc biệt khu vực phía Nam người ta bán vé số thật nhiều.

Ở Sihanouk có nhiều người Việt Nam.

Ở Sihanouk có những bãi biển cát đen đen giống mấy vùng biển phía Nam.

Ở Sihanouk có nhiều thốt nốt (thực ra thì thốt nốt là Việt Nam giống Cambodia đúng hơn 🙂 )

Ở đây thấy văn hoá Khmer đậm nét như ở miền Tây.

Và có những thứ nhỏ nhặt khác trong văn hoá Cambodia mà có lẽ ở lâu hơn thì sẽ cảm nhận nhiều và tinh tế hơn.

 

Có lẽ một chuyến đi là quá ít để cảm nhận và nhìn nhận nhiều thứ, nhưng chí ít cũng để lại nhiều giá trị thực tế trong mình :).

Didauchillout.

 

 

Bài viết liên quan

Nhật ký lang thang Hà Nội qua các năm

Nhật ký lang thang Hà Nội qua các năm

10 - 10 - 2021

Nhật ký lang thang Hà Nội của mình thì trải dài qua các năm. Mình thích Hà Nội vì...

Hà Nội có quá nhiều thứ để mình nhớ về

Hà Nội có quá nhiều thứ để mình nhớ về

05 - 10 - 2021

Câu hỏi lựa chọn giữa Hà Nội và Sài Gòn này có lẽ không những mình mà chắc cũng...

Những đứa trẻ trong suốt những cuộc hành trình

Những đứa trẻ trong suốt những cuộc hành trình

15 - 08 - 2021

Dạo dịch bệnh diễn biến phức tạp nên mình ở nhà cũng dài dài; đâm ra lại có thời...

Bình Định nơi bản thân bắt đầu thơ ca

Bình Định nơi bản thân bắt đầu thơ ca

07 - 08 - 2021

Bình Định có lẽ là chuyến mài mông đường dài đầu tiên của mình những ngày cuối của thời...

Mộc Châu mùa mận chín và giải chạy Trail Moc Chau 2021

Mộc Châu mùa mận chín và giải chạy Trail Moc Chau 2021

31 - 07 - 2021

Những ngày cuối tháng 4 trời đã vào hè, Mộc Châu cũng vào độ mận đào chín đỏ trĩu...

Tà Xùa những ngày tháng 4 cuối mùa săn mây

Tà Xùa những ngày tháng 4 cuối mùa săn mây

25 - 07 - 2021

Nằm trong chuỗi ngày chạy trail Mộc Châu 2021, mình tranh thủ ghé Tà Xùa. Dẫu biết rằng mùa...