Có một đoạn trích của một người liên quan đến những chuyến đi mà mình khá thích:
“Khi mỗi chuyến đi là một sự trở về với nội tâm, một sự nhận biết mình và con đường nối với thế giới. Tình cảm thế gian ở đâu cũng như nhau và nỗi cô đơn của con người thì ở đâu cũng vậy. Nên đi cũng là để thấy mình trong tất cả và tất cả trong mình. Du hành vì vậy cũng bắt đầu cuộc phiêu lưu của tâm hưởng.” -An Ni Bảo Bối-
Mỗi lần dịch chuyển đều có những dòng chuyển biến nội tâm, từ tâm tư đến nhận thức. Và mình nhận thấy trong chính nội tình bản thân cũng đã thay đổi rất nhiều đặc biệt sau mỗi lần như vậy. Và mình cũng biết ơn vì việc “đi” đã giúp mình cân bằng thế giới quan và tôi luyện một phần nào đó nhân cách.
Thật ra trước giờ mình không hề để ý nhiều về những thay đổi của bản thân. Mãi cho đến chuyến đi gần nhất tại Ninh Thuận; bất chợt một câu nói của cô bé bán hàng đã làm mình suy nghĩ mãi về những điều mà mình chưa bao giờ ngừng khắc khỏi.
Chuyến đi đến vùng thiên nhiên khắc nghiệt, khát nước nhất Việt Nam.
Đó là một ngày nắng cháy da tại Ninh Thuận tại một địa điểm tham quan vườn nho. Mình và vài người bạn ngồi thưởng thức nho và vài đặc sản từ nho. Ngồi trò chuyện với cô bé bán hàng thì được biết Ninh Thuận đã 2 năm chưa có mưa. Chẳng hiểu là loại cảm xúc gì đang trỗi dậy trong lòng; trong khi mình vẫn ở khách sạn vài xài nước bình thường mà chả hề hay biết những sự khó khăn ở đây. Một chút đau lòng và thấu hiểu nỗi khó khăn của bà con xen lẫn một chút tự trách và nhắc nhở bản thân.
Thực ra ngay từ cái thời còn ghế nhà trường; việc được giáo dục về tiết kiệm và về những nơi khắc nghiệt tột cùng đã tác động ít nhiều đến mình. Nhưng rồi không gian thời gian, vật chất xung quanh vẫn cứ sung túc khiến bản thân cũng quên đi những điều đó. Chỉ cho đến khi những chuyến đi mới thật sự khiến mình khắc ghi trong lòng những hình ảnh chân thực và ý thức sâu sắc hơn.
Thay đổi từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Dần dần sau này, tự bản thân thay đổi nhiều thói quen; hay chí ít thì hạn chế hết sức có thể để bản thân bớt cảm giác “vô thức cộng đồng”.
Từ việc rửa tay xả nước hết nấc thì giờ chỉ vừa vặn đủ; giặt đồ trong máy giặt chỉ vài 3 cái thì mình đợi đến vừa đủ ngăn đồ máy giặt; nếu ít thì mang đi giặt tay cho tiết kiệm nước. Đến việc dội nước bồn cầu mình cũng tìm cái nút xả phù hợp và khá đau lòng khi thấy nút xả nữa nước bị hư… Có lần trên mạng thấy ở Nhật có cái bồn dùng nước rửa tay để xả nước bồn cầu mình đã mong muốn nó được sử dụng rộng rãi biết bao. Rồi cho đến việc rửa rau mình cũng sẽ dùng nước cho việc tráng bát đĩa lần 1 hoặc mang đi tưới cây. Hay tắm thì mình cũng cố gội đầu và hứng nước xả tóc để tiết kiệm cho bước làm ướt đồ trước khi giặt…
Thật ra mình cũng nhiều lần tự hỏi bản thân rằng; mình ở đây tiết kiệm thì cũng có giúp ích được gì đâu, người ta cũng chả xài được phần tiết kiệm đó. Nhưng rồi mình nhận ra được, có những thứ làm vì bản thân thấy được thoải mái không dằn vặt chứ không phải vì được công nhận. Làm vì mong mong sẽ có một ngày hoa có thể nở và hoa sẽ mang hương đến những nơi đất khó.
Câu chuyện nhỏ của bản thân.
Có một câu chuyện hiện hữu chân thực mà mình từng trải. Có lần ống nước nhà mình bị rò rỉ mà chưa kịp thay. Nước cứ nhỏ giọt từng ngày đến đêm mà không ai để ý. Đêm hôm đó mình để một thùng nước hứng đến sáng thì vừa vặn một thùng hơn 20 lít nước. Quả là một con số đau lòng. Há chả phải nếu như không hứng nước hay thay ống thì chẳng phải đã lãng phí biết bao. Mấy ngày sau đó nước bị cắt từ sáng sớm để sửa chữa đường ống. Mọi người trong nhà ai cũng đều cảm thấy may thay vì có thùng nước hứng được từ tối qua để dùng. Dù là rất ít nhưng ai nấy cũng đều tự biết phải dùng tiết kiệm ra sao đến cuối ngày.
Lúc đó mình nghĩ nhiều thứ, về sự linh hoạt tồn tại của con người và cả về những trường hợp khắc nghiệt nhất có thể xảy ra thì liệu rằng bản thân sẽ thế nào? Mình chỉ có thể trả lời rằng, trước mắt mình cần làm gì đó, ít nhất là bản thân phải là người thay đổi những thói quen hành vi nhỏ nhất để có được điều tích cực.
Cuộc chiến để điều chỉnh hành vi.
Với thế giới không là gì cả nhưng với bản thân là một sự đấu tranh để “tử tế“, là một bước chuyển đổi nhận thức và hành động để bản thân cảm thấy được nhẹ nhàng hơn, có ích hơn.
Những chuyến đi đến những vùng khắc nghiệt có thể cho bạn thấy những cảnh đẹp tuyệt hảo và có khi cũng có câu chuyện, sự thật khiến bạn suy nghĩ nhiều về cuộc đời và trách nhiệm của mình lên cuộc đời và thế giới đang vẽ màu lên cuộc đời bạn.