Hình ảnh những chiếc thuyền giao thương tụ tập trên dòng sông Mê Kông là những gì hiện ra đầu tiên trong đầu mình mỗi khi nghĩ về miền Tây. Mình rất thích chợ nổi; mình muốn đi hết thẩy những chỗ đó và chợ nổi Cái Bè là một trong số cái tên mình muốn ghé thăm.
Mình cũng có hay nói với bạn bè rằng; mình thích đi chợ lắm, đi đến tỉnh nào chỗ nào cũng muốn ghé cái chợ coi sao, có gì hay ho không. Bởi trong quan sát chủ quan của bản thân; mình nhận thấy rằng chợ là nơi hội tụ văn hóa của mảnh đất đó. Từ ẩm thực, đến cách chế biến, sự đa dạng thực phẩm, chất giọng địa phương hay cách người ta giao tiếp với nhau cũng làm nên điểm riêng biệt cho từng vùng. Thế nên chả thể nào mình bỏ qua những cái tên chợ nổi được.
Một ngày tháng 4 cái nắng còn gắt, mình cùng vài người bạn quyết định chạy xuống mảnh đất Tiền Giang.
Ghé Mỹ Tho ăn một tô hủ tiếu
Hủ tiếu Tuyết Ngân Mỹ Tho
Người ta bảo đến Mỹ Tho mà chưa ăn qua hủ tiếu thì quả là một điều đáng tiếc. Hôm chạy con xe bon bon từ Sài Gòn thẳng xuống Mỹ Tho tìm cho bằng được một nơi ăn cho thỏa mãn.
Hôm mình đi cũng là hậu covid đợt 3, hàng quán đường xá trông cũng đìu hiu. Có vẻ giai đoạn khó khăn này quá lâu khiến hàng quán chưa kịp hoạt động lại. Phái đến tận lần thứ 3 thì tụi mình mới đáp chân đến quán – Hủ tiếu Tuyết Ngân. Quán trông khá rộng, có lẽ là phục vụ cả khác du lịch đoàn. Thường theo tâm lý bản thân những quán cho du lịch sẽ không ngon bằng nhưng lỡ đến rồi thì thử, không ngờ ngon hơn mình tưởng. Phục vụ siêu nhanh và đồ ăn siêu ngon. Anh bạn thân của bạn thân cũng bị “đam mê” hủ tiếu Mỹ Tho từ đó 🙂
Bến Chương Dương, chợ Mỹ Tho
Ăn xong tô hủ tiếu; ghé bến Chương Dương lịch sử ngồi ăn quả Mây Thái, chiếc bánh chuối nếp nướng thật là hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đến từ những điều đơn giản nhỏ nhoi. Trông mình khí chất đờn ông như vậy nhưng mọi người nào biết mình yêu những thứ đẹp đẽ đáng yêu vụn vặt dễ thương này biết bao. *cười lớn*; ao nhiêu cái gái tính bị khí chất kia đàn áp cả rồi lol.
Ngồi hóng gió trưa hè mát rượi tạt từ con sông Tiền đỏ au một lát là cả 3 lái xe tạt qua trại Rắn Đồng Tâm rồi chạy xuống chợ nổi Cái Bè.
Ghé chợ nổi Cái Bè ngắm bình minh
Vâng xin thưa một câu là không. Thật ra ngày đi Cái Răng 2017 mình cũng lường trước được chợ sẽ thưa người, không đông như trong hình ảnh nữa rồi. Nhưng ôi thôi; ở đây không phải là thưa thớt mà là không có gì luôn các bác ạ. Xin thưa mình đi tháng 4/2021; đọc bao nhiêu bài viết cũng toàn để hình chợ nổi Cái Bè xôm tụ gì đâu; may thay là mình tâm lý đã chuẩn bị và đoán được rồi; chỉ có điều không ngờ là không còn ai giao thương thôi.
Buổi sáng hôm ấy tụi mình dậy thật sớm, ra bến tận 5h30 vì sợ không thuê được thuyền; nào ngờ đâu chúng mình là thượng khách đầu tiên, và sau đó cũng chả thấy ai :). Có 3 người ta mà bao thuyền bao sông; chú lái đò lái một vòng trong tour Chợ nổi Cái Bè – Cơ sở sản xuất thủ công – Cù lao Tân Phong – Chèo xuồng 3 la – Vườn trái cây.
Những chiếc tàu chở trái cây từ vườn bỏ cho các chủ buôn, những con tàu chở cát và cả những con thuyền nhỏ thi thoảng đi qua. Sáng hôm ấy bình minh đến muộn, khi lộ ra đã nắng to rồi. Tụi mình theo chân chú lái tàu ghé quán hủ tiếu ngồi nhìn ra bờ sông trông lênh đênh và chill phếch. Ăn xong thì theo lịch trình tour.
Tour tham quan trong ngày
Thật ra thì một buổi sáng đã xong tour rồi. Mấy chiếc tour như này mình mê tít; được xem người ta làm gốm, làm bánh kẹo thủ công; được mua mấy độ vặt vảnh là điều mình “đam mê” vô tận; thế nên lúc nào đi về cũng lĩnh kỉnh. Nhưng khách quan mà nói mình thấy tour còn “nghèo”; có chút gì đó đáng tiếc, tiếc bởi vì khai thác chưa chạm đến được du khách. Bản thân mình là người yêu thích những giá trị đó còn cảm thấy đáng tiếc; vậy thì ngành du lịch địa phương đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội níu chân du khách quay lại lần sau rồi?
Điều khiến mình vui nhất sau chuyến đi chính là tin chợ nổi sẽ được khôi phục với mục đích du lịch. Vậy là có thêm điều níu giữ cho lần qua lại đây dịp khác của mình rồi.
Xong chuyến trải nghiệm 2 ngày, tụi mình lái xe về lại Sài Gòn và níu theo hương vị hủ tiếu Mỹ Tho.
Xem thêm hình ảnh tại đây.