Mình chưa khi nào thôi hết hứng thú với những nơi gắng với những câu chuyện lịch sử và Côn Đảo cũng vậy. Mãi gần đây cuối cùng cũng có ngày mình được đặt chân ra nơi này. Bởi lẽ từ lúc còn nhỏ khi còn học cấp 2, cấp 3; khi bản thân thấy có niềm đam mê dần với địa lý thì mình cũng bắt đầu để ý đến Côn Đảo. Nhưng lúc đó chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có cơ hội được ra; bởi điều kiện còn khó khăn mà ngày đó không phải ai cũng được phép ra đó. Thế là Côn Đảo trong mình chỉ là những câu chuyện trong sách vở đầy tự hào và thương đau.
Kể từ khi chuyển vào Sài Gòn, mình cũng lên vài lần để ra Côn Đảo, ấy vậy mà đến phút 90 vẫn bị bể kèo. Người ta bảo khi bạn quá khao khát và mong muốn điều gì thì cứ nghĩ về điều đó hoài ắt hẳn mọi nhân tố xung quanh sẽ thúc đẩy điều đó thành thật trong nay mai. Thế là cuối cùng mình cũng hội đủ mọi điều kiện để đi và một ngày tháng 3 trời lập hạ xanh mát. Cảm giác toại nguyện khi quá khao khát một điều gì đó thật là tận sướng đến nhường nào.
Nguyện vọng lớn đến Côn Đảo
Mình có bảo với người em đi cùng rằng mình có 3 nguyện vọng lớn nhất. Một là thăm nơi mộ cô Sáu và các vị anh hùng liệt sĩ; hai là thăm nơi người ta gọi là “địa ngục trần gian”; và cuối cùng là được ngắm khu bảo tồn rùa biển. Còn những điều khác chỉ là ưu tiên sau. Và trong 3 thì mình được toại 2.
Cái tên Cô Sáu thân thương để nhớ về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu
Trước khi bắt đầu thích đi thì mình đã thích nghe về lịch sử, mặc dù không có nhiều hiểu biết sâu nhưng bị lôi cuốn về con người ta thời xưa. Mà đặc biệt là cái thời Việt Nam còn chiến tranh, nghe nó bi thương mà rất đổi tự hào. Câu chuyện về chi Sáu chắc có lẽ bắt đầu từ những bài học lịch sử, rồi ngấm thêm từ bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” trong mỗi dịp văn nghệ về; cứ dần bồi đắp nên khao khát ra Côn Đảo. Cứ mỗi độ bài hát vang lên là mỗi lần dâng trào xúc động lạ kỳ.
Tối hôm ghé nghĩa trang Hàng Dương để xin đi viếng mộ cô Sáu, mình hát hoài không thôi ca khúc thiêng liêng ấy. Cảm giác cứ thực và lắng đọng khó tả như cái lần ở Bạc Liêu; khi ghé đài tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu mình lẩm bẩm hoài Dạ Cổ Hoài Lang đến mấy tuần sau đó.
Mấy ngày về mọi người hỏi mình có xin gì cô Sáu không? Mình thì không. Chỉ lẩm bẩm câu cảm ơn cô Sáu và những vị anh Hùng để mình có cơ hội đứng tại đó và thắp nén hương trần. Thắp cho cô rồi cho nhiều phần mộ khác, ngồi nghỉ ngơi bên hàng ghế đá bên đường nhìn dòng người tấp nập vào ra mình thầm nghĩ bụng “nhiều người ra vào đông vui vậy cho mọi người đỡ buồn nhỉ”. Xong rồi về phòng nghỉ ngơi sau một ngày hoàn thành nguyện vọng lớn nhất.
Địa ngục trần gian nơi Côn Đảo
Hai chị em ghé bảo tàng trước. Nhanh chân theo đoàn người vào trước để được nghe thuyết minh và nghe những câu chuyện ngày ấy. Dòng người đông đúc nhưng im lặng lắng nghe đầy xúc động. Những vật tích được trưng bày khiến ai cũng không khỏi rùng mình đầy thương xót.
Khu nhà tù ngay bên cạnh bảo tàng. Mình rất muốn coi nhưng cũng rất sợ; cái thứ cảm giác vừa mới bước chân vào đã tưởng tượng ra cảnh bi thương máu me. Cái lúc bước lên nhìn xuống chuồng Cọp phải là cô em đi trước mình mới đủ dũng khí đi lên. Chỉ có 2 người trẻ trong một không gian yên tĩnh và nhiều giai thoại như này khiến gai ốc không ngừng nổi.
Càng thấy bao nhiêu thì càng đau buồn và trầm mình bấy nhiêu và càng biết ơn bội phần. Bản thân mình nghĩ phải chăng ai cũng một lần đến đây để chứng kiến thì chắc có lẽ sẽ biết quý trọng cuộc sống này hơn.
Khu bảo tồn thiên nhiên rùa biển
Hè năm 2 đại học vô tình tìm thấy chương trình tình nguyện tại Côn Đảo. Mình thích vô cùng, nghĩ bụng cuối cùng cũng ra được Côn Đảo nhưng tiếc thay có lẽ duyên chưa tới mình vẫn chưa có cơ hội đi. Năm 3 lại tiếp tục tìm kiếm chương trình, rồi năm 4 cứ thế năm nào mình cũng thấy chương trình tại Côn Đảo. Nhưng có lẽ ngày ấy lý điều kiện chưa hội tụ và mãi đến tận bây giờ mới có dịp ra Côn Đảo.
Như kiểu cá bắt được nước, chương trình chỉ nghe qua tên là mình thích nhường nào. Hôm rồi muốn ghé xem nhưng biển đảo chưa được phép đi vậy là đành để dành cho lần tới, một cái cớ lớn để trở lại.