Vốn mấy tỉnh có chữ Giang thật thú vị và có sức hút lạ kỳ. Nếu ở Hà Giang gây thẫn thờ thì An Giang lại gây thổn thức. Hoặc cũng có thể con người ta vốn đã có nổi lòng, chỉ cần không gian thích hợp là “nương tựa” tâm hồn lẫn nhau.
Các tỉnh miền Tây đi rồi chắc có lẻ mình thích An Giang nhất. An Giang không có biển đảo đẹp như Kiên Giang, không có những giai thoại nổi tiếng như Bạc Liêu, Cà Mau hay cũng không có những vựa du lịch nổi tiếng như Bến Tre, Cần Thơ. Chỉ có những điều thú vị về An Giang khiến những người như mình nhớ mãi.
Đậm nét văn hoá Khmer
Chỉ khi đến An Giang mình mới thực cảm nhận về sự tồn tại của đế chế Khmer vĩ đại một thời. Từ kiến trúc, ẩm thực, lối sống, ngôn ngữ giao tiếp đến tôn giáo và văn hoá hàng ngày cũng mở mang cho mình nhiều kiến thức. Thật ra không hẳn chỉ ở An Giang mà hầu như các tỉnh miền Tây Nam bộ đều ảnh hưởng nhiều văn hoá Khmer. Chỉ có điều vì An Giang là điểm đến đầu tiên nên gây ấn tượng mạnh trong chuỗi ký ức của mình.
Những ngôi chùa với dòng chữ hoa văn hay điêu khắc cầu kỳ tinh xảo. Những món ăn về những loài bò sát và con trùng với hương vị khá giống Cambodia (nơi được coi là thủ phủ đế chế Khmer). Những đứa trẻ nói với nhau bằng tiếng Khmer; những ngôi trường với biển hiệu tiếng Khmer. Những cô bác anh chị mặc trang phục váy dài và đội khăn trên đầu theo phong tục người Khmer và rất nhiều thức nhỏ nhặt khác nữa.
Ăn cơm Tấm vào buổi sáng
Thật ra ở Sài Gòn người ta cũng ăn cơm Tấm vào buổi sáng. Nhưng chắc có lẽ vì Sài Gòn đã quá đa màu sắc nên An Giang khiến màu sắc này thật rõ. Mình vẫn nhớ sáng đó đi kiếm đồ ăn mình đã thật sự thốt lên câu hỏi tại sao rất nhiều lần. Mình cũng chưa tỏ trong lòng nữa về phong tục này; chỉ biết là cơm Tấm ngon hơn rất nhiều những nơi mình từng ăn trước đó.
Rất dễ để tìm thấy một quán cơm Tấm dọc đường vì người ta bán rất nhiều. Độ đó mình nhớ mình và chị bé đồng hành đã ăn tới đôi lần. Từ sau An Giang mình đã chưa ăn cơm Tấm lại lần nào.
Đi An Giang phải ăn thốt nốt
Có lẽ ở An Giang thì người ta mới tìm thấy được nhiều thốt nốt. Ngày sau đó đi Kiên Giang mình cũng đã tìm thấy loại đồ ăn chân ái của mình; nhưng An Giang thì vẫn nổi tiếng hơn. Cứ các tỉnh giáp Cambodia thì sẽ thấy thật nhiều thốt nốt.
Cây thốt nốt vốn mang lại nhiều lợi ích nhưng câu chuyện về sự có mặt của thốt nốt tại Việt Nam lại khiến mình có chút đau lòng.
Văn hoá tâm linh đặc biệt là ở Châu Đốc rất đặc sắc và “mạnh mẽ”.
Nếu mình không đi vào dịp lễ hội thì có lễ đã không có dịp cảm nhận được không khí này. Có lẽ ở tôn giáo nào cũng có những mùa lễ hội và hành hương; và ở An Giang cũng vậy. Những nghi lễ lạ mắt, sính lễ cầu sinh tài lộc hay thần bà cũng mang màu sắc khác.
Người ta bảo nhau rằng; nếu là xin và được ban tài lộc thì phải đáp lễ. Có nghĩa là thể hiện sự cảm ơn đối với tài lộc được cho; nếu không thì sẽ nhận những hậu quả khôn lường. Và kể từ đó nhiều câu chuyện đau lòng cũng được truyền tai nhau. Dù là đúng hay sai thì con người ta vẫn luôn được dạy bảo làm những việc tốt và phải đạo; như vậy cũng là nên chuyện rồi.
Bún cá và rau bông thiên lý.
Mình vốn rất thích việc quan sát cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương ở vùng đất mới. Ngày đó ở An Giang, đi dọc con đường nào cũng thấy món BÚN CÁ; thế là mình cũng thử một lần. Điều đặc biệt đó chính là người ta bán cá sông mà không phải cá biển. Vốn cá sông có mùi tanh nặng hơn nhưng ở đây vẫn ăn rất ngon. Một điều mới lạ nữa đó là món rau gia vị ăn cùng. Là một loài bông gì đó, mình chỉ nghe nói là “thiên lý”; không có mùi vị đặc biệt lắm chỉ có điều trông món ăn thật đẹp. Đầu cá cũng được bán riêng theo nhu cầu của thực khách.
An Giang đọng lại trong mình rất nhiều điều tươi đẹp và mới mẻ; và cũng còn nhiều điều thú vị về An Giang mà có lẽ vẫn còn chờ đợi mình để khám phá. Có những thứ nói nên lời nhưng cũng có những thứ không thể nào được chia sẻ công khai; chỉ có thể là cảm nhận của mỗi cá nhân. Vì là cá nhân nên có thể sai và cũng có thể đúng; chỉ là đồng điệu thì câu chuyện sẽ hay hơn mà thôi.