Ngày mình đến Cao Bằng là một ngày giữa tháng 6 oi ức. Thế nhưng ở Cao Bằng lại mang cho người ta một cảm giác thu mát mẻ. Là cái mát rượi của núi rừng và ẩm ướt của vách đá khe nước len lỏi mọi góc núi đã tạo nên một cảnh tượng thật hùng vĩ khác biệt cho vùng đất này.
Ở Cao Bằng, là thứ cảm giác chạy đường dài nhưng mặt không hề bụi bẩn, là cảm giác mát đến lạnh. Được ngắm nhìn những cô gái đồng bào với nước da trắng hồng xinh đẹp hay ghé mua vài vị thuốc nam đặc sản; hết thảy đều riêng biệt.
Ghé thăm những địa danh nổi tiếng để nghiền ngẫm hơn vẻ đẹp nơi đây.
Thác Bản Giốc hùng hồn
Thác Bản Giốc – Cao Bằng được xem là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia và cũng là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ở Bản Giốc, từ xa đã thấy con thác ào ạt chảy tung bột trắng xoá đến ướt người. Bên kia bờ sông là vách núi của một quốc gia khác mà chính ở nơi đây; đứng nhìn những dòng du khách của 2 quốc gia trên một con sông mới cảm nhận hơn giá trị của những cột mốc phân chia ranh giới. Và cũng tự nhiên lòng tự tôn dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ.
Khu di tích Pác Pó
Câu đầu tiên mình thốt lên là “sao giống tiên cảnh quá vậy”. Hôm đó là một buổi chiều sắp tàn; phải chạy xe thật nhanh để kịp giờ ghé thăm nơi đây. Vốn chỉ nghe nhiều về địa danh lịch sử nơi bài thơ huyền thoại ra đời:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bà đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
Mình vốn thích lịch sử và muốn nghe nhiều về nó. Cứ mỗi lần được nghe về lịch sử hào hùng hay được đến một nơi nào đó có tính lịch sử; chỉ cần một chút gợi nhắc về những con người làm nên lịch sử cũng khiến mình “dễ vỡ”.
Hôm ở Pác Pó – Cao Bằng mình cũng thế. Thứ cảm giác tự thân bước vào và chứng kiến khung cảnh nơi đây; tự tưởng tượng ra cảnh ngày đó cứ khiến mình vừa nể phục, tôn kính và vừa tự hào dân tộc. Trong gian khổ con người ta vẫn lạc quan và tài giỏi đến như vậy; quả thực chỉ có ý chí quật cường mới làm nên những con người vĩ đại để con cháu muôn đời lưu truyền.
Động Ngườm Ngao
“Cái tên thật khó đọc làm sao” mình bảo vậy lần khi lần đầu nhìn thấy. Cái tên Ngườm Ngao theo tiếng người dân tộc Tày là Hang Cọp, mình được biết thế.
Ngày đó mình nghĩ sẽ không hứng thú lắm bởi lẽ mình đi khá nhiều hang động thạch nhũ tương tự ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam rồi, và nghĩ chắc nơi đây cũng tương tự. Nhưng thực sự khi vào trong mới thấy được cảnh hùng vĩ của chiếc hang động; thậm chí có khiến mình rùng rợn bởi vẻ hoang sơ và huyền bí của nó.
Hang động được hình thành từ được 300 triệu năm với những khối thạch nhũ “già cõi” đẹp mắt. Điều mình thích nhất đó chính là sự hình thành của những “ruộng bậc thang” nước chảy trông như một bức tranh thực tả cảnh những cánh đồng ruộng bậc thang mùa nước đổ. Quả thật mẹ thiên nhiên thật thần kỳ.
Những con đường con lượn xanh ngắt, hiểm trở và mát lạnh
Thứ cảm giác được chạy xe lượn lờ khắp núi rừng Tây Bắc khiến mình say đắm tột cùng; và ở Cao Bằng cũng thế. Từ con đèo Mã Phục hiểm trở cho đến những con đường nhỏ cong lượn thật biết chiều những tay “mê lái” như mình.
Từ dãy núi này đến dãy núi kia, hình thù nhọn hoắc xếp gần nhau khi thì gần tận mắt lúc lại xa xăm ẩn hiện trong làn sương núi bay lưng chừng càng tạo nên vả ma mị khó cưỡng; cứ thế mà đuổi theo mãi không ngừng.