Vẫn là những ngày tháng 5 đầy hứa hẹn; mình đã đến Bạc Liêu. Nằm trong chuỗi những “liên hoàn bước” từ Cambodia sang Việt Nam; Bạc Liêu lúc ấy còn mờ ảo trong tưởng tượng của mình trước khi đặt chân đến vào một ngày nắng to.
Giai thoại về Công Tử Bạc Liêu
“Nghe danh công tử Bạc Liêu, đốt tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu…”
Những ngày còn nhỏ mình cho rằng bài hát này là một thể loại hư cấu. Mãi cho đến khi lớn lên mới biết được Công Tử Bạc Liêu là một nhân vật hoàn toàn có thật. Và cũng mãi cho đến ngày mình được đến đây thì hình ảnh Công tử Bạc Liêu càng rõ nét hơn.
Hàng trăm hàng vạn câu chuyện về người và cả gia đình người. Khen ngợi có mà oán than cũng có. Hào khí có và cả nhục mạ của người đời. Từ những câu chuyện về sự ăn chơi khét tiếng đến những câu chuyện tình đầy drama. Ấy vậy mà cuối đời lại có một kết cục thật đáng buồn.
Điều mình ngạc nhiên hơn cả đó chính là; vẫn còn 1 người con của Công Tử đang sinh sống tại Bạc Liêu; mình gọi là Bác vì trông Bác đã có tuổi. Thế nhưng cảm nhận của mình về sự có mặt của Bác cứ mang nỗi buồn và chút ái ngại người đời. Một thứ cảm giác mà càng già đi lại càng lộ rõ trên vết hằn khuôn mặt.
Căn nhà “xa xỉ” từ hàng trăm năm trước giờ đây trở thành một chốn tham quan đặc biệt toạ lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, Thành phố Bạc Liêu. Năm 2017, mình đọc được thông tin căn nhà được định giá hơn 400 tỷ đồng. Rất nhiều đồ vật được trưng bày tại đây xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của gia đình người. Khách tham quan không khỏi đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác.
Dạo quanh một vòng trong nhà, mình chọn một góc cửa sổ nhìn ra bờ sông; xong rồi lại nhìn một ngôi nhà “xa xỉ” là hàng xóm trước đây của nhà Công Tử. Thử tưởng tượng lại những lời được nghe thuyết mình; quả thật khiến người ta phải bàn tán.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ.
Ở Bạc Liêu nghe vạn câu chuyện. Mình bị cuốn vào không dứt mãi những ngày về sau. Mặc dù cũng có một thiện cảm nhất định với dòng nhạc Ca vọng cổ từ lâu nhưng phải nghe những câu chuyện thì “niềm yêu thích” mới lớn hơn. Độ đó cứ thấy Hướng dẫn viên là mình lại sáp vào nghe thuyết minh ké, cảm xúc thật dâng trào có chút bi thương.
Người nhạc sĩ tài năng, chung tình, yêu nước và có tình yêu âm nhạc to lớn. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu không những khiến người khác ngưỡng mộ bởi tài năng mà còn kính trọng bởi sự chung tình sắc son.
Tại khu tưởng niệm nhạc sĩ; người ta mở cho du khách nghe bản Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ. Bản nhạc gốc được cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác. Bài hát này đã trở thành cảm hứng của biết bao thế hệ ca nhạc sĩ; những bản cải biên làm mới và dẫn dầu cho những sáng tác khác.
Không gian tái hiện khung cảnh chơi nhạc cụ cùng dòng nhạc cổ khiến mình không khỏi lắng đọng suy nghĩ nhiều thứ
Bên trong khu tưởng niệm còn trưng bày nhiều kỷ vật, hình ảnh và câu chuyện của nhiều nhân vật nức danh một thời tại Bạc Liêu. Phải kể đến đó là nghệ sĩ Phùng Há – người đã làm điên đảo một thời 2 chàng Hắc Công Tử và bạch Công Tử. Có rất nhiều tình tiết xoay quanh những câu chuyện về mỗi tình tay 3 này; là mối tình tốn vô vàn giấy mực cho thời đại lúc bấy giờ.
Nhìn ngẫm
Những giai thoại có thể đúng có thể sai những sự hiện diện thì có lẽ quá rõ. Những giá trị để lại cho đời sau hay những bài học từ người đi trước luôn có giá trị.
Didauchillout